Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang tháng 4 và 4 tháng năm 2022

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang tháng 4 và 4 tháng năm 2022

BÁO CÁO

Tình hình kinh tế- xã hội tháng 4 và 4 tháng tỉnh Bắc Giang

I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

Tháng 4 năm 2022 thời tiết diễn biến cơ bản thuận, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay các địa phương đã gieo trồng hết diện tích vụ xuân, đạt kế hoạch và đảm bảo khung thời vụ. Đàn vật nuôi cơ bản duy trì ổn định, công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện hiệu quả.

  1. Sản xuất nông nghiệp

a. Về trồng trọt

Các địa phương trong tỉnh tiếp tục phát huy tốt lợi thế đặc thù về điều kiện địa hình đa dạng, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa dạng, phát triển vùng trồng cây ăn quả. Công tác theo dõi, dự báo phòng trừ sâu bệnh được thực hiện hiệu quả; các loại cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân, diện tích các loại cây có múi vẫn tăng.

Diện tích gieo trồng vụ xuân đến nay đạt 68,9 nghìn ha, bằng 99,4% so với cùng kỳ và bằng 100% kế hoạch, cụ thể:

  • Diện tích lúa cấy ước đạt trên 48,2 nghìn ha, bằng 99,4% so với cùng kỳ và bằng 100% so với kế hoạch;
  • Diện tích trồng ngô ước đạt trên 3,3 nghìn ha, bằng 96,6% so với cùng kỳ và bằng 100,2% so với kế hoạch;
  • Diện tích trồng lạc ước đạt gần 6,2 nghìn ha, bằng 95% so với cùng kỳ và bằng 100,1% so với kế hoạch;
  • Diện tích trồng khoai lang ước đạt trên 1,5 nghìn ha, bằng 92,7% so với cùng kỳ và bằng 103,5% so với kế hoạch;
  • Diện tích trồng rau, đậu các loại ước đạt trên 6,9 nghìn ha, bằng 106,4% so với cùng kỳ và bằng 98,1% so với kế hoạch.
  • Đối với cây ăn quả: Tỉnh Bắc Giang tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của địa phương. Đến nay nhìn chung các loại cây ăn quả phát triển tốt, diện tích cây có múi vẫn tiếp tục tăng, cây trồng chủ lực vải thiều sớm có tỷ lệ đậu quả khá cao, cây vải chính vụ tỷ lệ đậu quả thấp hơn.

b. Về chăn nuôi

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đàn gia súc, gia cầm cơ bản phát triển ổn định, công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện hiệu quả. Riêng đàn lợn việc tái đàn được thực hiện chủ yếu ở các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn và đảm bảo cung cấp đủ con giống; số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ngày càng thu hẹp.

  • Đàn trâu vẫn tiếp tục giảm, tổng đàn ước đạt trên 35 nghìn con, bằng 89,7% so với cùng kỳ do hiệu quả kinh tế không cao, diện tích chăn thả thu hẹp; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 176 tấn, bằng 91,7% so với cùng kỳ, nâng tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 4 tháng ước đạt 550 tấn, bằng 91,7% so với cùng kỳ.
  • Đàn bò tổng đàn ước đạt 117,7 nghìn con, bằng 91,6% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng đạt 430 tấn, bằng 93,9% so với cùng kỳ, nâng tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 4 tháng ước đạt 1.736 tấn, bằng 93,9% so với cùng kỳ.
  • Đàn lợn số đầu con tập trung chủ yếu ở các trang trại, mô hình chăn nuôi quy mô lớn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và an toàn sinh học; giá bán thấp mang lại lợi nhuận không cao cho người chăn nuôi, nên số đầu con toàn tỉnh giảm. Số con xuất chuồng trong tháng ước đạt 156 nghìn con, bằng 97,7% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 14,9 nghìn tấn, bằng 97,7% so với cùng kỳ. Nâng tổng số con xuất chuồng 4 tháng ước đạt 603,2 nghìn con, bằng 97,7% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 4 tháng ước đạt 57,8 nghìn tấn, bằng 97,7% so với cùng kỳ.
  • Chăn nuôi gia cầm ổn định, tuy nhiên tổng đàn gà có xu hướng giảm do giá nguyên liệu chăn nuôi tăng; sản lượng gia cầm xuất chuồng trong tháng ước đạt trên 8,6 nghìn tấn, bằng 101,3% so với cùng kỳ (gà ước đạt 7,3 nghìn tấn, bằng 101,3%), nâng tổng sản lượng gia cầm xuất chuồng 4 tháng ước đạt trên 34,9 nghìn tấn (gà ước đạt 29,2 nghìn tấn, bằng 101,3%), bằng 101,3% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất lâm nghiệp

  • Công tác trồng rừng: Công tác chuẩn bị cây giống, vệ sinh vườn bãi, tranh thủ thời tiết tốt để trồng rừng đảm bảo hiệu quả và đạt kế hoạch được giao đã được thực hiện tốt, như: Trong tháng diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 1.070 ha, bằng 89,8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng diện tích trồng mới 4 tháng ước đạt 4.420 ha, bằng 98,4% so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán trong tháng ước đạt 400 ngàn cây, bằng 87,3%, nâng tổng số cây trồng phân tán 4 tháng ước đạt 1.663 nghìn cây, bằng 100%.
  • Khai thác gỗ: Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 50.568 m3, bằng 98,6% so với cùng kỳ, nâng sản lượng gỗ khai thác tháng 4 ước đạt 238.728 m3, bằng 103,6% so với cùng kỳ.
  • Khai thác củi: Tháng 4 toàn tỉnh ước khai thác được 4.380 Ste, bằng 90,8% so với thực hiện cùng kỳ, 4 tháng ước đạt 19.997 Ste, bằng 101,4% so với cùng kỳ.

3. Sản xuất thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản trong tháng đạt 3.539,8 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ, nâng tổng sản lượng thủy sản 4 tháng ước đạt 15.856,3 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt gần 14.778,6 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

        II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tháng 4 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, số ca bệnh giảm theo từng ngày, sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới. Trước tình hình đó Tỉnh ủy và UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, tự điều chỉnh năng lực sản xuất theo nhu cầu của thị trường, do vậy sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 4 và 4 tháng duy trì đà tăng trưởng ổn định, cụ thể như sau:

Sản xuất công nghiệp tháng 4 và 4 tháng năm 2022 duy trì ổn định tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất tháng 4/2022 tăng 2,49% so với tháng 3/2022 và tăng 53,48% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 32,08%. So với cùng kỳ các ngành sản xuất quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng cao như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 89,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 23,92%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 15,67%; sản xuất đồ uống tăng 17,17%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 29,42%...

Tuy nhiên, một số ngành sản xuất vẫn gặp khó khăn, như: Sản xuất hóa chất giảm 7,4%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 17,9%… do nhu cầu tiêu thụ cũng như các đơn đặt hàng bị trì hoãn và giảm, nguyên nhiên vật liệu đầu vào cao.

 

          III. THỰC HIỆN VỐN ĐẦU TƯ

Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 04/2022 ước đạt trên 508 tỷ đồng, tăng 19,9% so với tháng trước, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 1.651,8 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ, trong đó:

  • Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 562,6 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ (tháng 4 ước đạt 161,5 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ);
  • Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ (tháng 4 ước đạt 317,8 tỷ đồng, tăng 49,9% so với cùng kỳ);
  • Vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 88,7 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ (tháng 4 ước đạt 28,8 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ).

Nguyên nhân vốn đầu tư ước thực hiện tháng 4 và 4 tháng tăng là do các dự án công trình chuyển tiếp được chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục triển khai; một số các công trình dự án lớn nhà thầu đảm bảo tiến độ, chủ động được nguồn vốn và được các cấp, các ngành quan tâm giải ngân vốn đầu tư kịp thời.

Một số dự án, công trình có giá trị vốn đầu tư thực hiện lớn trong tháng, như: Đường nối từ QL37- QL17-DDT và đoạn Việt Yên- Tân Yên- Lạng Giang ước đạt 26 tỷ đồng; Công trình đường nối QL37 –QL17- Võ Nhai - Thái Nguyên ước đạt 70 tỷ đồng; Công trình xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2, nối tuyến nhánh 2 đường vành đai IV với khu công nghiệp Yên Phong và QL18 tỉnh Bắc Ninh ước đạt 30 tỷ đồng,...

IV. HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ

Trong bối cảnh chung của dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động công nghiệp- xây dựng tiếp tục tăng trưởng; tâm lý của người dân ổn định đã thúc đẩy tiêu dùng trong dân cư hồi phục trở lại, sức mua tăng lên tạo động lực và đảm bảo đầu ra cho các ngành công nghiệp- nông nghiệp phát triển, do vậy doanh thu Thương mại và Dịch vụ vận tải đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

  1. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
  • Tổng mức bán lẻ hàng hoá: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 2.850 tỷ đồng, bằng 104% so với tháng trước và bằng 105% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm hàng có tỷ trọng cao trong doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao, như: Nhóm xăng, dầu các loại ước đạt 530,5 tỷ đồng (chiếm 18,6% tổng mức bán lẻ), tăng 64,2% so với cùng kỳ; nhóm đá quý, kim loại quý ước đạt 126,5 tỷ đồng (chiếm 4,4% tổng mức bán lẻ), tăng 30,5% so với cùng kỳ,…

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 170,6 tỷ đồng, bằng 111% so với tháng trước và bằng 82,9% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,7 tỷ đồng, bằng 80,9% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác đạt 108,6 tỷ đồng, bằng 102,3% so với tháng trước và bằng 103,8% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 11.130,9 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 613,6 tỷ đồng, bằng 80,6% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,7 tỷ đồng, bằng 21,4% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác đạt 426 tỷ đồng, bằng 103,4% so với cùng kỳ.

2. Vận tải

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi tháng 4 ước đạt 534,2 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng doanh thu ước đạt 2.079,5 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ, trong đó:

a. Vận tải hàng hóa

Doanh thu tháng 4 ước đạt 422,8 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ, nâng tổng doanh thu 4 tháng ước đạt 1.665,6 tỷ đồng, tăng 17,6% so cùng kỳ năm trước. Khối lượng vận tải hàng hóa tháng 4 ước đạt 3,7 triệu tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ; khối lượng vận chuyển 4 tháng ước đạt trên 15 triệu tấn, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Khối lượng luân chuyển hàng hóa tháng 4 ước đạt 99,9 triệu tấn.Km, tăng 19,4% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển 4 tháng ước đạt 402,6 triệu tấn.Km, tăng 15,8% so với cùng kỳ.

b. Vận tải hành khách

Doanh thu tháng 4 ước đạt trên 93,1 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ, nâng tổng doanh thu vận tải hành khách 4 tháng ước đạt 343,4 tỷ đồng, tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước. Khối lượng vận tải hành khách tháng 4 ước đạt gần 1,8

triệu người, tăng 2,9% so với cùng kỳ; khối lượng vận chuyển 4 tháng ước đạt 6,9 triệu người, bằng 98,9% so với cùng kỳ. Khối lượng luân chuyển hành khách tháng 4 ước đạt gần 83,3 triệu Hk.Km, bằng 102,9% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển 4 tháng ước đạt 326,5 triệu Hk.Km, bằng 100,2% so với cùng kỳ.

3. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 năm 2022 tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 3,68% so với cùng kỳ và bình quân 4 tháng, tăng 3,51%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, 08 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước: Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,76%, do dịch vụ sửa chữa và giá điện thoại di động thông thường tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,41%, tăng chủ yếu do giá gas tăng và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,55%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,33%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%,…

Trong tháng có 03 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và tương đương so với tháng trước, như: Nhóm giao thông giảm 0,72%, chủ yếu do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng dầu các đợt điều chỉnh trong tháng, bình quân tháng 4 giá xăng giảm 2,5%, tuy nhiên giá dầu diezen tăng 7,01%; còn lại thuốc và dịch vụ y tế, đồ uống và thuốc lá có chỉ số giá tương đương so với tháng trước.

V. HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG

  1. Hoạt động tài chính
  • Về thu: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 4 ước thực hiện 720 tỷ đồng, bằng 5,7% kế hoạch dự toán cả năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 5.277,2 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch dự toán, bằng 123,4% so với cùng kỳ; trong đó một số lĩnh vực thu đạt khá như: Thu từ tiền sử dụng đất ước đạt 2.947,9 tỷ đồng, bằng 41,9% kế hoạch dự toán và bằng 160,5% so với cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 502,1 tỷ đồng, bằng 58,4% kế hoạch dự toán, bằng 122,8% so với cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ ước đạt 227,4 tỷ đồng, bằng 40,6% so với kế hoạch dự toán và bằng 107,1% so với cùng kỳ năm trước...

Tuy nhiên vẫn còn một số lĩnh vực thu đạt thấp như: Thu từ DNNN- Địa phương ước đạt 23,9 tỷ đồng, bằng 80% so với dự toán và bằng 51,2% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 151,9 tỷ đồng, bằng 35,3% so với dự toán, bằng 92,9% so với cùng kỳ; thu tiền thuê đất ước đạt 19,1 tỷ đồng, bằng 11,2% kế hoạch dự toán, bằng 97,2% so với cùng kỳ; thu từ khu vực Doanh nghiệp có vốn ĐTNN ước đạt 462,8 tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch dự toán, bằng 75,4% so với cùng kỳ,...

  • Về chi: Tình hình chi ngân sách của địa phương cơ bản đã đảm bảo được các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.

2. Hoạt động ngân hàng

Tháng 4 và 4 tháng năm 2022 các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022; tiếp tục tăng cường khai thác nguồn vốn huy động từ các khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các tổ chức khác trên địa bàn; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, luôn quan tâm chăm sóc khách hàng, đổi mới phong cách giao dịch, phục vụ chu đáo, tận tình. Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán; tích cực tiếp cận khách hàng doanh nghiệp và người dân, tìm hiểu, phân tích, đánh giá những khó khăn vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, cụ thể:

  • Công tác huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động ước đến 30/4/2022 đạt 80.101 tỷ đồng, tăng 935 tỷ đồng so với 31/3/2022 (tăng 1,2%); trong đó: Tiền gửi dân cư ước đạt 67.462 tỷ đồng, tăng 910 tỷ đồng ( tăng 1,4%); nguồn tiền gửi ngắn hạn ước đạt 52.368 tỷ đồng, tăng 208 tỷ đồng (tăng 0,4%); tiền gửi trung và dài hạn ước đạt 27.733 tỷ đồng, tăng 727 tỷ đồng (tăng 2,7%); tiền gửi nội tệ ước đạt 77.214 tỷ đồng, tăng 930 tỷ đồng (tăng 1,2%).
  • Công tác cho vay: Dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng nhẹ ước đến 30/4/2022 dư nợ cho vay đạt 74.151 tỷ đồng, tăng 365 tỷ đồng (tăng 0,5%) so với 31/3/2022, trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 44.322 tỷ đồng, tăng 176 tỷ đồng (tăng 0,4%); dư nợ trung và dài hạn ước đạt 29.829 tỷ đồng, tăng 189 tỷ đồng (tăng 0,6%). Chất lượng tín dụng được đảm bảo, các ngân hàng luôn chú trọng đến nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu; ước đến 30/4/2022 nợ xấu là 675 tỷ đồng, chiếm 0,9% trên tổng dư nợ.

VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

  1. Về công tác văn hóa, giáo dục

1.1 Giáo dục

Trong tháng, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung đã xác định trong kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid -19 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh chủ động, tự giác thực hiện 5K thường xuyên để bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tích cực triển khai các hoạt động giáo dục như tập trung ôn tập cho học sinh đảm bảo trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng các kỳ thi: Học kỳ II, tuyển sinh đầu cấp, tốt nghiệp THPT năm 2022; tiếp tục hoàn thiện tài liệu Giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo góp ý của Hội đồng thẩm định.

Đến ngày 11/4, ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo. Đây là danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt bảo đảm chất lượng nội dung. Tỉnh Bắc Giang lựa chọn những đầu sách phù hợp với đặc thù công tác dạy và học của địa phương, thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, khai thác các hình thức dạy học tích hợp và tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm linh hoạt, sáng tạo, thuận lợi trong việc kiểm tra, đánh giá học lực của học sinh. Tổ chức dạy thực nghiệm sách giáo khoa Tin học lớp 4 theo Chương trình GDPT 2018; tham gia các lớp tập huấn, hội thảo của Bộ GD&ĐT. Công tác ôn tập và thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2021-2022 được quan tâm chú trọng, kết quả Bắc Giang nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về tổng số giải (66 giải).

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, có một số điểm mới như thời gian tổ chức thi sớm hơn, số lượng môn giảm, tổ chức trong 1 ngày, thí sinh F0 được bố trí phòng thi riêng. Cụ thể, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên năm học 2022-2023 tại Bắc Giang với 3 môn: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh, giảm môn thi thứ tư. Đặc biệt, kỳ thi diễn ra gọn trong ngày 4/6. Với thí sinh thuộc diện F0, Sở GDĐT dự kiến thí sinh F0 sẽ bố trí thi cùng đợt ngày 4/6 nhưng ở khu vực riêng.

1.2 Văn hóa, thể thao và du lịch

Hoạt động văn hóa, thông tin tháng 04/2022 tập trung công tác tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4) và Ngày Quốc tế lao động (01/5); 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Tổ chức thành công Hội thi Ca - Múa - Nhạc những tác phẩm âm nhạc viết về Bắc Giang. Xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng Người cao tuổi tỉnh Bắc Giang. Triển khai các bước, thủ tục, quy trình lập Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã hoàn thành công tác chuẩn bị, trang trí, tuyên truyền môn Cầu lông SeaGames 31; biểu diễn 7 chương trình văn nghệ tại Lục Ngạn, Lục Nam và tổ chức 27 buổi chiếu phim phục vụ nhân dân huyện Sơn Động. Thư viện tỉnh đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4); trưng bày sách báo nhân ngày Giải phóng miền Nam (30/4)…

Trong lĩnh vực thể dục, thể thao: Đăng cai tổ chức thành công Giải Cầu lông các cây vợt xuất sắc Quốc gia năm 2022 tại Bắc Giang (từ ngày 11-17/4/2022), tham dự có gần 200 cán bộ, HLV, VĐV đến từ 16 tỉnh, thành, ngành; kết quả Đoàn Cầu lông Bắc Giang giành được 02 HCB, 02 HCĐ; tổ chức 03 giải thể thao cấp tỉnh: Đá cầu, Bóng bàn, Cờ tướng. Các đội tập luyện và tham gia thi đấu xong 03 giải quốc gia (Cầu lông các CLB toàn quốc; Đá cầu; Cờ vua), đạt 18 huy chương các loại (04 HCV, 05 HCB, 09 HCĐ).

Cũng trong tháng 4, tỉnh Bắc Giang tích cực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu du lịch Bắc Giang tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam-VTM Hanoi. Hoàn thành việc in 3.000 bản Decal mã QR-code song ngữ tuyên truyền giới thiệu về văn hóa, con người và du lịch Bắc Giang, phục vụ tuyên truyền SeaGames 31. Phối hợp, hỗ trợ Trường Đại học Nông - Lâm liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, chuẩn bị ký kết nội dung hợp tác phát triển du lịch nhân sự kiện công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông– Lâm Bắc Giang.

        2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

2.1 Đời sống dân cư

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và mức sống cho người dân, gắn với nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nhìn chung, tình hình đời sống dân cư trong tháng cơ bản ổn định, không có hiện tượng thiếu đói giáp hạt xảy ra.

2.2. Công tác an sinh, xã hội

Tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp và người lao động tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19; thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 09 phiên giao dịch việc làm, trong đó 08 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm, 01 phiên lưu động. Tiếp nhận và giải quyết 698 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp thực hiện thẩm định, chấp thuận cho 81 lượt doanh nghiệp được sử dụng 268 lượt vị trí công việc cần sử dụng lao động nước ngoài ; đồng thời thực hiện việc cấp, cấp lại GPLĐ cho 175 lao động. Phối hợp với các ngành, UBND huyện Hiệp Hòa nắm bắt tình hình giải quyết 01 vụ ngừng việc tập thể tại công ty TNHH MTV KD sports Việt Nam

Triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo giáo dục tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Công tác quản lý, chăm sóc và giải quyết chế độ chính sách đối với Người có công được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Trong tháng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đã ban hành Quyết định trợ cấp hàng tháng đối với Người có công và thân nhân của họ: 79 trường hợp; quyết định trợ cấp 01 lần cho 49 trường hợp; quyết định trợ cấp 01 lần và mai táng phí cho 441 trường hợp; tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ chuyển Hội đồng giám định y khoa tỉnh, trung ương khám giám định 08 trường hợp. Ra quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ trợ cấp 04 trường hợp (02 trường hợp thờ cúng liệt sỹ, 02 trường hợp thương binh). Đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 02 trường hợp. Trong tháng, Sở cũng đã ban hành Quyết định điều dưỡng cho 7.791 đối tượng Người có công và thân nhân với tổng số tiền là 16,1 tỷ đồng.

Trong tháng, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực giảm nghèo, trợ giúp xã hội có nội dung chi từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2022; tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại các huyện, thành phố và kịp thời chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội.

      3. Hoạt động y tế

3.1 Tình hình dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được tỉnh kiểm soát tốt, số ca mắc mới có xu hướng giảm mạnh trong những ngày gần đây, một số cơ sở thu dung điều trị Covid-19 đã không còn bệnh nhân. Thời gian qua, hệ thống y tế toàn tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn hỗ trợ người dân kiến thức, kỹ năng chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và các huyện, thành phố thiết lập mạng lưới hỗ trợ thông qua mạng xã hội zalo, facebook thường trực 24/24 giờ; các bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa, bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) thiết lập tổ tư vấn hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 trực tuyến. Nhờ vậy, đa số bệnh nhân sau từ 5- 7 ngày giảm dần các triệu chứng. Đồng thời tỉnh cũng đã tăng cường hoạt động truyền thông về lợi ích, tính an toàn, hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt tránh tư tưởng chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay đang lắng xuống, nhất là trong kỳ nghỉ lễ ngày 30/4 và 01/5 sắp tới. Tính đến ngày 21/5, tỉnh có 2.176 ca mắc đang điều trị, trong số này có 2.124 trường hợp cách ly, điều trị tại nhà. Trong đó, 05 bệnh nhân (BN) nặng phải thở ô xy trở lên, 10 BN mức độ vừa; 977 BN mức độ nhẹ; 1.495 ca mắc không triệu chứng.

Tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh tiến độ việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng, đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 3. Chuẩn bị các điều kiện cho trẻ em từ 5-11 tuổi; dự kiến triển khai tiêm từ ngày 19/4/2022. Trong đợt này, tỉnh được phân bổ 18.600 liều vắc xin Moderna cho trẻ từ 5-11 tuổi. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm 4.157.505 liều vắc xin, trong đó: 1.265.285 người dân từ 18 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn tỉnh đã tiêm 3 mũi vắc xin, đạt tỷ lệ 98,8% và 2.738 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm vắc xin (đạt 1,05% mũi 1).

Các ca bệnh truyền nhiễm được phát hiện rải rác trong cộng đồng; trong tháng ghi nhận 570 lượt mắc bệnh của 06 bệnh truyền nhiễm trong số 27 bệnh được giám sát (tăng 29 ca so với tháng trước, giảm 492 ca so với cùng kỳ năm trước).

3.2 Công tác khám, chữa bệnh

Tỉnh tiếp tục tập trung triển khai phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục triển khai điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu ở 10 huyện, thành phố, điều trị, quản lý, theo dõi tại nhà. Trong tháng, số lượt khám chữa bệnh là 109.218 lượt (tuyến tỉnh: 34.396, tuyến huyện: 74.822) bằng 79% so với cùng kỳ 2021;bệnh nhân nội trú: 15.644 người (tuyến tỉnh: 8.290, tuyến huyện: 7.374) bằng 78% so với cùng kỳ; bệnh nhân điều trị ngoại trú: 38.291 người (tuyến tỉnh: 3.914, tuyến huyện: 34.377) bằng 90% so với cùng kỳ; công suất sử dụng giường bệnh là 66,3% (tuyến tỉnh: 66,5%, tuyến huyện: 66,1%) bằng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

      4. Công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội 

4.1 Hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Trong tháng 04, lực lượng công an tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, hành lang giao thông chưa được khắc phục triệt để; nhiều tuyến đường, khu vực xung quanh các khu, cụm công nghiệp xảy ra nhiều vụ tai nạn. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn còn nhiều hạn chế.

Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 01/5. Chỉ đạo công an các huyện, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông phục vụ SEA Games 31(môn cầu lông) tổ chức tại Bắc Giang. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã xử lý 3.957 trường hợp vi phạm (trong đó: 1.708 xe ô tô, 2.249 xe mô tô; 392 trường hợp liên quan quá khổ, quá tải, 710 trường hợp về nồng độ cồn); tạm giữ 1.091phương tiện các loại; tước giấy phép lái xe có thời hạn 808 trường hợp; thu nộp ngân sách 7,1 tỷ đồng.

4.2 Tai nạn giao thông

Tính từ 15/3/2022 đến ngày 14/4/2022, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9 người, làm bị thương 14 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 2 vụ; tăng 2 người chết; giảm 6 người bị thương. So với tháng trước tăng 3 vụ, tăng 3 người chết và tăng 3 người bị thương. Tổng 4 tháng đầu năm xảy ra 91 vụ tai nạn giao thông (giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm chết 44 người (tăng 7 người so với cùng kỳ năm trước), làm bị thương 71 người (giảm 18 người bị thương so với cùng kỳ năm trước).

4.3 An ninh chính trị

Nhìn chung tình hình an ninh chính trị trong tháng 04 cơ bản ổn định. Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy, phát hiện và xử lý 15 vụ vi phạm về môi trường với tổng số tiền xử phạt là 216 triệu đồng, tổng số vụ vi phạm trong 4 tháng đầu năm là 71 vụ và xử phạt 1.055 triệu đồng.

Trên đây là Báo cáo Tình hình kinh tế- xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022. Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang trân trọng báo cáo./.